Khi bạn đã lỡ “hy sinh” tài nguyên cá nhân cho một điều gì đó, bạn sẽ có xu hướng tìm kiếm và đứng về phía những luận cứ hay lý do tích cực nhất bên vực cho những hy sinh đó, để luôn có cảm giác mình đúng và an toàn. Đây cũng là nguyên tắc để nhiều loại tôn giáo mê tín vẫn sống được, hay nhiều thầy bà bất lương vẫn kiếm được tiền từ học viên.
Chỉ có hai cách để bạn được tiếp cận sự khách quan của thông tin. Cách thứ nhất, cũng là cách khó chịu nhất, đó là chịu hậu quả cho sai lầm của chính mình. Cách thứ hai, cũng là cách khó nhất, là chịu lắng nghe, phân tích và kiểm chứng. Bài viết này, là nổ lực của cá nhân mình trong cách thứ hai, để mong bạn tiếp cận thông tin sao cho khách quan nhất. Vậy nên, nếu bạn thật sự là người trong cuộc, đừng đọc nửa vời.
Tình trạng của phong trào “làm youtube” hiện nay
Đứa con nít hàng xóm nhà mình cũng biết, điều kiện tối thiểu để bật kiếm tiền là 4.000 giờ xem và 1.000 người đăng ký. Mình khá bất ngờ!
Youtube không phải là cách kiếm tiền mới, không phải một dạng MMO mới. Nhưng nếu so sánh trên bình diện toàn thể dân số Việt Nam trong bối cảnh dân số trẻ và sự phát triển phổ biến của thiết bị di động đến từng giai cấp khác nhau trong xã hội, thì sỡ hữu một “kênh truyền thông cá nhân” là một chuyện hoàn toàn trong tầm tay. Cùng với đó, những “tấm gương” youtube bất hảo không cần phải học cao hiểu rộng mà vẫn kiếm tiền trăm triệu hằng tháng (dĩ nhiên hoàn toàn có thật) đã trở thành chất kích thích cho mọi người, nhất là các bạn trẻ và cả trẻ trâu.
Thế nhưng, một khi cái gì đã trở thành phong trào một cách lồ lộ như thế, thì sẽ không còn là dễ dàng. Youtube vẫn là mảnh đất màu mỡ nhưng hiện tại vô cùng cạnh tranh và thật sự rất khắc khe. Chỉ có những ai đến trước thì bây giờ mới trở thành đại thụ. Còn những bạn nào mới biết và mới làm trong một năm trở lại đây thì câu chuyện thành công đếm trên đầu ngón tay.
Và đồng thời, “phong trào làm youtube” theo lời đồn đại thế này, kéo theo một lượng người tham gia mới, không hề tham gia với tư cách là người sáng tạo nội dung (theo như định nghĩa của youtube) được chuẩn bị bài bản từ ý tưởng cho đến sáng tạo nội dung của chính mình để đảm bảo quyền sỡ hữu, sau đó kiếm tiền trên nội dung nữa, mà lại là những người mới tham gia với tư cách tay mơ nghe loáng thoáng đâu đó chỗ này chỗ kia.
Cũng có một số khác tìm hiểu kỹ càng, nhưng nếu không được đầu tư kiến thức và kinh nghiệm thì cũng chỉ là “hứng” lên mà làm rồi hy vọng mình sẽ thành công. Thực tế, để bắt đầu một kênh mới từ thời điểm này và duy trì realtime chỉ 500 lượt xem/60 phút đã rất khó khăn rồi. Đó là chưa kể những lần kiểm duyệt và kiểm tra liên tục từ Youtube, khiến nhiều kênh bị tắt kiếm tiền hoặc chết luôn kênh, con số này cũng nhiều vô kể. Thế nên, bạn đừng tưởng bở nếu muốn làm giàu bằng Youtube.
Mình không muốn nói thêm về vấn đề này, nhưng chỉ dừng tại đây để bạn hiểu, tiền bạc không dễ kiếm, điều đơn giản vậy thôi, nhiều người dù đã biết đã nghe nhưng vẫn thích chối bỏ.
Bây giờ xin nói về BOTV
Mình sẽ cố gắng trình bày với giọng điệu ôn hòa và như là trong góc nhìn của một “shark” theo kiểu mấy gameshow sharktank, để đánh giá dự án, chứ không phải nhào vô là kết luận hay quy chụp vội vàng, mình nghĩ làm như thế, người trong cuộc hay người ngoài cuộc đều dễ dàng lắng nghe hơn.
BOTV là gì?
Theo như những giới thiệu từ trang chủ chính thức của botv, thì có vẻ tham vọng của botv khá lớn, trong 3 năm sẽ trở thành tập đoàn truyền thông và giải trí ĐA NGÀNH với độ phủ TOÀN CẦU. Làm được hay không thì chưa biết. Nhưng trước mắt, mô hình kinh doanh theo kiểu kết nối đa kênh truyền thông (dạng trở thành một network) thì Việt Nam đã có, ví dụ điển hình như Metub, Yeah1 (hiện đã ngỏm)…hay trên thế giới có Freedom, FullScreen…họ đã bắt đầu từ rất nhiều năm trước nhưng chẳng có ai đủ sức để trở thành “giải trí đa ngành và phủ sóng toàn cầu” cả, chưa kể vụ Yeah1 làm nhiều youtuber Việt điêu đứng ăn không ngon ngủ không yên.
BOTV sẽ kiếm tiền bằng cách nào?
Nếu thực sự hoạt động như một Network youtube, thì doanh thu sống còn của Network sẽ đến từ việc chia sẻ doanh thu quảng cáo với những kênh sáng tạo nội dung tuân thủ chính sách cộng đồng và luật bản quyền của Youtube. Network đó cũng sẽ cung cấp nhiều tài nguyên và bảo kê một số vấn đề bản quyền để kênh youtube có bàn đạp phát triển. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh cuả BOTV có nhiều khác biệt. Xin nêu ra như sau:
Vấn đề thứ nhất:
BOTV không quan tâm tìm kiếm và kết nối những kênh youtube tiềm năng sẵn có (như Metub hay Yeah1 đã làm), nhưng quan tâm tìm kiếm những người thậm chí còn chưa biết gì về youtube và khuyến khích đăng ký thành viên tham gia thông qua một hệ thống ref link nhiều cấp. Vì sao lại làm vậy? Nếu mình là “shark” mình sẽ nói “Tôi không đầu tư.!”
Lý do là: BOTV nói họ đã có sẵn một nguồn ngân sách dự phòng và còn được quỹ đầu tư đổ tiền vào (hiện link về thông tin này đã bị xóa). Nếu mình có tiền như vậy, thay vì tìm kiếm những người chưa biết gì nhiều về youtube, mình sẽ tìm kiếm những kênh youtube tiềm năng và đầu tư cho họ, hà cớ gì lại đổ tiền vào một đám đông chỉ muốn kiếm tiền mà không muốn sáng tạo nội dung!?!
Như vậy, BOTV có mục đích gì khác khi cố gắng xây dựng một cộng đồng hỗn tạp nhiều người mà đa phần là dân không chuyên youtube? Họ trả lời rằng: để xây dựng cộng đồng hỗ trợ phát triển kênh mà cụ thể là lượt view và lượt đăng ký từ cộng đồng đó. Như vậy, sẽ vấp phải vấn đề thứ hai sau đây.
Vấn đề thứ hai:
Chính sách cộng đồng của Youtube không hề cổ xúy kêu gọi lượt xem và lượt đăng ký có trả thưởng. Khi Botv kêu gọi một công đồng được trả tiền để xem video, thì nghĩa là họ vi phạm trắng trợn chính sách cộng đồng Youtube đã quy định rằng: “Nội dung nhằm bán các chỉ số tương tác như lượt xem, lượt thích, nhận xét hoặc bất kỳ chỉ số nào khác trên YouTube.”.
Trước mặt bạn bây giờ là một lượng lớn những người tham gia không hề quan tâm đến nội dung video, chỉ quan tâm: xem là có tiền, bấm đăng ký là có tiền…vậy chẳng khác nào một hệ thống tăng view tăng sub trả phí “rẻ tiền” mà chỉ cần một lập trình viên cứng tay chút xíu kéo mã nguồn về xây dựng lại.
Điều này hoàn toàn khác với việc mình xây dựng một cộng đồng miễn phí về đọc sách chẳng hạn, rồi mình làm những video review sách, gửi link vào cộng đồng đó, ai quan tâm thì xem: đó mới là lành mạnh, vì người xem video thực sự quan tâm đến nội dung video, và như vậy cũng phù hợp để những đối tác của Youtube bán quảng cáo trên video của mình.
Vấn đề thứ ba:
Botv gần đây công bố hẳn hoi và rõ ràng một bảng giá kênh youtube và gọi đây là “dịch vụ quản lý kênh“. Thậm chí nếu bạn tham gia dịch vụ quản lý kênh này, bạn không cần phải quan tâm sáng tạo nội dung, botv sẽ giúp cho việc đạt được một lượng đăng ký trong một khoảng thời gian như đã hứa. Theo như lập luận của các bạn tham gia, dịch vụ quản lý kênh sẽ tận dụng cộng đồng đã xây dựng để khiến kênh đạt đủ lượt đăng ký và lượt view.
Chắc chắn điều này không thể thực hiện được, botv đã vi phạm chính sách cộng đồng, giả sử có đạt đủ số lượng đăng ký đi nữa thì cũng không thể bật kiếm tiền cho kênh youtube mà chủ kênh không cần lo về nội dung. Cá nhân mình cũng là người đã và đang làm youtube, mình hiểu để bật kiếm tiền cho một kênh mới khó khăn như thế nào, đó là chưa kể bật xong thì bị tắt.
Thế nhưng dịch vụ này chắc chắn đem đến cho Botv một nguồn thu đáng kể. Và nếu đứng ở vị trí của người sáng lập Botv, thì mình cho rằng đây là bước đi “khôn ngoan” khi tận dụng nguồn tiền vào để trả thưởng lại cho cộng đồng tham gia và kích thích cộng đồng càng đông hơn. Như vậy, vòng tiền xoay liên tục sẽ nhiều thêm khi càng nhiều người tham gia. Chưa cần nói đến kiếm tiền từ Youtube, nhưng người sáng lập Botv đã có ngay một nguồn thu béo bở trước mắt. Mình dùng từ béo bở là cố ý, vì giá của “dịch vụ quản lý kênh” lên đến cả ngàn đô hoặc hơn.
Khi nói như thế, Botv trả lời rằng, chi phí cho “dịch vụ quản lý kênh” là để trang trải cho phát triển kênh. Họ làm điều này hoàn toàn công khai và có hợp đồng hẳn hoi, nên không thể bảo là vô căn cứ hay trục lợi bất chính. Nếu vậy, chúng ta cùng xem xét qua một hợp đồng của Botv.
Có nên quyết định ký hợp đồng với BOTV?
Hình ảnh hợp đồng mình lấy nguồn từ HVYT.net (Group facebook Học Viện Youtube).
Một khi đã đưa ra thành hợp đồng, bạn nên xem xét những ràng buộc về nội dung và ràng buộc về pháp lý của hợp đồng, xong rồi hẳn ký. Không phải cứ có hợp đồng là chuyên nghiệp, mình từng là người soạn thảo hợp đồng khi còn làm trong một công ty xây dựng, hợp đồng có giá trị nhiều tỷ đồng nhưng chỉ vì một “con chữ” nhầm lẫn, mà thiệt hại bao nhiêu là tiền.
Nếu trả lời có nên ký hợp đồng với Botv không, thì mình nghĩ thế này: hơn hai mươi ba triệu để sở hữu một kênh youtube 50.000 đăng ký là rất hời, cho nên bạn chỉ nên ký khi và chỉ khi:
- Điều 1 Nội dung công việc, thay vì chữ “nhằm mục đích giúp” đạt 50.000 lượt đăng ký thì hợp đồng nên chỉnh sửa thành “cam kết” đạt 50.000 lượt đăng ký, dĩ nhiên có thêm phần sau “và đã kích hoạt bật kiếm tiền thành công trong thời gian 8 tháng“. Có phải ý bạn là như vậy không? hay bạn chỉ mong botv “giúp” được thì tốt mà không được thì thôi?
- Nên tạo trước một kênh youtube có đường link ghi trong hợp đồng đàng hoàng, để chính bạn cũng biết kênh đó là kênh gì và phát triển thế nào. Có phải bạn muốn như vậy khi bỏ tiền ra không? hay bạn không cần quan tâm kênh mình đã mua là kênh gì?
- Hợp đồng phải trình bày định nghĩa từ ngữ “thế nào là bật kiếm tiền?”, còn không phải thay chữ “bật kiếm tiền” thành chữ “trở thành đối tác Youtube“. Có phải ý bạn là chức năng bật kiếm tiền từ việc trở thành đối tác Youtube không? hay chỉ là “bật kiếm tiền” của riêng nền tảng Botv?
- Hợp đồng phải được ký với người chịu trách nghiệm trước phát luật của Botv (hiện tại là Nguyễn Tấn Phát). Botv chưa lớn và nhiều hợp đồng đến mức bạn phải ký kết hợp đồng với một người thay mặt và ủy quyền.
- Ngoài ra, hợp đồng thuộc loại “hợp tác kinh doanh” (BCC) và được công chứng theo đúng quy định pháp luật theo dạng giao dịch dân sự như đã nêu ở đây (https://thukyluat.vn/vb/bo-luat-dan-su-2005-33-2005-qh11-99f.html). Có phải bạn muốn mình được bảo hộ bởi pháp luật không? hay chỉ bỏ vài chục triệu để mua một miếng giấy A4 có in chữ?
Vẫn còn nhiều điều khác như tỉ lệ ăn chia, trách nghiệm…nhưng những cái quan trọng và dễ hiểu lầm nhất thì mình đã nêu trên đây. Và bạn chỉ nên ký hợp đồng trong điều kiện tối thiểu phải là như vậy, hoặc ít ra bạn đã đọc kỹ hợp đồng và không hiểu lầm hay hiểu thiếu bất cứ điều gì liên quan. Còn không thì đừng bao giờ ký và chuyển tiền.
Những phán đoán từ trực giác của mình
Bây giờ mình không làm Shark nữa, nhưng sẽ tâm sự với tư cách một người đã trải qua nhiều hình thức kiếm tiền trên mạng. Có một vài điều mình phán đoán về Botv như sau:
- Botv không có giá trị nội tại liên quan đến Video Content. Ví dụ FAPtv (một kênh youtube nổi tiếng) được mua lại bởi Big Cat, vì giá trị nội dung thu hút người xem mà họ sở hữu. Còn những gì Botv có chỉ là một cộng đồng đa phần thiếu kiến thức chuyên sâu về Youtube, được kêu gọi tham gia thông qua hình thức đa cấp tạo thu hút.
- Botv được tạo nên và được quảng bá từ rất nhiều “người quen” mình có biết trong thị trường Crypto. Và Botv đòi hỏi phải cung cấp chứng thực bằng CMND để xác minh thông tin (KYC). Mình linh cảm một khi cộng đồng này lớn mạnh, đội ngũ sáng lập sẽ bắt đầu ra mắt một token (thuật ngữ crypto) để tiếp tục thu hút đám đông bằng những lập luận bánh vẽ, và kiếm bộn tiền từ tăng giá. Và khi token này hạ giá, người tham gia “lỗ nặng” thì đó trở thành con đường thoát của những người sáng lập Botv. Mình không lạ gì hình thức này trong thị trường Crypto.
- Botv rất khôn ngoan khi tận dụng làn sóng “hâm mộ” youtube để thu hút người tham gia nhằm xây dựng cộng đồng. Nhưng khi niềm tin mất dần, Botv cũng sẽ biến mất như rất nhiều dự án tuyển ref đa cấp khác. Và nạn nhân thì chỉ biết kêu trời.
Cuối cùng, chúc bạn sáng suốt với quyết định của mình.